Tính cách Vi_Duệ

Trước trận Hợp Phì, Tư mã Hồ Cảnh Lược và Tiền quân Triệu Tổ Duyệt ở trong quân bất hòa, đến mức hãm hại lẫn nhau. Hồ Cảnh Lược tức giận, nghiến răng đến nỗi chân răng đều chảy máu; Duệ cho rằng tướng soái bất hòa, sẽ gây ra hậu hoạn, nên rót rượu mà khuyên Cảnh Lược rằng: “Ta mong hai tướng chớ tiếp tục tư đấu nữa!” Vì thế rốt cục trận này không xảy ra việc gì có hại. Duệ ban này tiếp đón khách khứa, ban đêm tính toán sổ sách; canh ba đốt đèn, từ khi rời màn đến lúc trời sáng thì vỗ về tướng sĩ, thường tỏ ra mình làm vẫn chưa đủ, nên kẻ sĩ muốn đầu quân liền tranh nhau quy thuận ông. Duệ nghỉ ngơi ở nơi nào, thì nhà cửa, rào dậu, tường vây đều phải đáp ứng quy chuẩn.

Duệ có khí độ hơn đời, đối đãi với người thì lấy nhân ái và ân huệ làm gốc, cai quản nơi nào cũng có chánh tích. Duệ đối với binh sĩ cũng thế: sĩ tốt chưa dựng xong doanh trại thì bản thân không nghỉ ngơi, chưa đào giếng – xây bếp thì bản thân chưa ăn uống. Duệ quen ăn mặc như nhà Nho, ngay cả trong lúc có chiến sự, cũng khoác trang phục rộng rãi mà ngồi xe ra trận, cầm Như ý bằng trúc để chỉ huy tiến thoái. Nam sử ca ngợi Duệ cùng Bùi Thúy là danh tướng nhà Lương, những người khác đều không bì kịp.

Duệ ở triều đình, tỏ ra thực thà, chưa từng ngang ngược, được Lương Vũ đế rất kính trọng. Duệ có tính từ ái, nuôi nấng con trai của anh còn hơn con trai của mình; làm quan nhận được bổng lộc, đều chia cho thân nhân, trong nhà không giữ lại chút gì. Sau khi nhận chức Hộ quân, ở nhà không có việc gì để làm, lại hâm mộ cách làm người của Vạn Thạch quân Thạch Phấn và Lục Giả, Duệ bèn vẽ hình bọn họ, treo ở trên tường để tự thưởng thức. Bấy giờ Duệ đã già, lúc nhàn rỗi thường tra xét việc học tập của các con. Con trai thứ 3 là Vi Lăng, thông làu kinh sử, người đời khen là học rộng biết nhiều; Duệ thường ngồi nghe Lăng giảng giải, nhưng có nhiều vấn đề được ông giải thích thì Lăng không thể bì kịp. Đương thời Lương Vũ đế sùng bái Phật giáo, thiên hạ cảm nhiễm mà tạo thành phong khí, nhưng Duệ giữ mình trong sạch đạm bạc, hơn nữa bản thân ở vị trí đại thần, không muốn bắt chước người đời yêu ghét, nên sanh hoạt hằng ngày không hề thay đổi.

Duệ được nhận chức Ung Châu thứ sử, bèn về thăm nhà. Ban đầu, Duệ dấy binh ở quê hương, có người khách là Âm Tuấn Quang khóc mà can ngăn; đến nay Duệ về châu, Tuấn Quang ở bên đường chào đón ông, Duệ cười mà nói rằng: “Nếu theo lời anh, bây giờ hẳn là ăn xin ở bên đường!” rồi tặng cho ông ta 10 con trâu [13]. Duệ đối với bạn cũ, không hề tiếc gì; sĩ đại phu trên 70 tuổi trở lên, phần nhiều được ông cấp cho chức huyện lệnh giả bản [14], ngươi ở quê nhà rất mong nhớ ông.

Sau trận Chung Li, Xương Nghĩa Chi rất cảm ơn Duệ, mời Tào Cảnh Tông với Duệ đến gặp mặt, nhân đó bày 20 vạn quan tiền để chơi Xư bồ. Tào Cảnh Tông ném ra Trĩ, Duệ ném ra Lư (Lư ăn được Trĩ), vội vàng lật 1 con bài lại, nói “Chuyện lạ!” rồi nhận Tắc (Tắc là kém nhất). Tào Cảnh Tông cùng các tướng soái tranh nhau báo tiệp, chỉ có Duệ một mình khải trình sau chót. Duệ mỗi khi thắng trận đều làm như vây, được người đời khen là hiền.